Bị lạc khi đi leo núi trekking là một sự cố khá phổ biến, nhất là với những thành viên mới bắt đầu tham gia hoạt động trải nghiệm này. Trekking là một hành trình khám phá và chinh phục địa hình đồi núi, rừng rậm hoặc kết hợp cả hai. Bạn sẽ tự di chuyển bằng chính đôi chân của mình và vượt qua giới hạn của bản thân. Đối với những trekker chưa có kinh nghiệm, thì rủi ro gặp những sự cố như đi lạc rất có khả năng xảy ra. Nếu bị rơi vào tình huống này, bạn phải làm gì? Để bảo vệ bản thân an toàn và có được chuyến đi tuyệt vời nhất, bạn hãy tham khảo qua những cách xử lý bị lạc khi leo núi sau đây trước khi bắt đầu lên đường nhé.

Giữ bình tĩnh

Giữ bình tĩnh

Có khá nhiều lý do khiến cho bạn bị lạc khi đi leo núi trekking. 

Đầu tiên, có thể là bạn đã không có một kế hoạch kỹ càng trước khi bắt đầu chuyến đi, không tìm hiểu kỹ về địa hình của điểm trekking, không xem trước cung đường mà mình phải vượt qua có những gì. Thứ hai, bạn đi theo đoàn bị đuối sức tụt lại phía sau và bị lạc, đặc biệt là khi trekking qua những khu rừng. Vậy nên, kinh nghiệm là hãy nghiên cứu thật kỹ về những đặc điểm địa hình, địa lý, thiên nhiên và cả thời tiết trước khi đi trekking. 

Ngoài ra, nên luyện tập thể thao và ăn uống đầy đủ để có thể lực tốt trước khi đi leo núi, đặc biệt là lần đầu. Khi cảm thấy đuối sức, hãy ra dấu và kêu gọi sự trợ giúp từ đồng đội để được hỗ trợ. Tuyệt đối không đi trekking một mình nếu bạn chưa có một mảnh kinh nghiệm nào vắt vai nhé.

Trong trường hợp phát hiện ra mình đã bị lạc thì bạn phải làm sao? Quan trọng nhất và cần thiết nhất chính là sự bình tĩnh. Có thể bạn sẽ hoang mang và hoảng sợ, nhưng hãy cố gắng định thần lại, vì sự bình tĩnh của bạn quyết định đến sự thành bại trong những tình huống sinh tồn. Thậm chí có thể quyết định bạn sẽ sống hay chết. Nếu bạn thiếu sự bình tĩnh mà cố gắng tìm đường đi, sẽ dễ bị lạc sâu hơn và nhanh chóng đuối sức trước khi được mọi người tìm thấy.

Để bắt đầu trấn tĩnh lại, bạn hãy luôn ghi nhớ trong lòng “Quy tắc số 3” về các giới hạn tồn tại của con người:

– 3 phút không có không khí

– 3 giờ nếu mất nhiệt

– 3 ngày không có nước

– 3 tuần không có thức ăn

Hiểu rõ quy luật này, bạn sẽ có thể bình tĩnh hơn vì bị lạc không có nghĩa là bạn sẽ gặp nguy hiểm ngay lập tức. Hãy hít thở sâu và tập trung tinh thần thì bạn mới có thể giúp bản thân vượt qua sự cố. Sau khi bình tĩnh hơn, bạn bắt đầu áp dụng quy tắc STOP trong sinh tồn như sau:

  • S – Stop: Là hãy dừng lại, mặc dù bạn đang rất hoảng sợ và muốn nhanh chóng tìm ra đường đi, nhưng hãy dừng lại ngay lập tức, ngay chỗ bạn đứng. Hít thở sâu và lấy lại bình tĩnh.
  • T – Think: Suy nghĩ. Bạn hãy bắt đầu suy nghĩ xem mình đang có gì, trong tay, trong balo có những gì để sinh tồn. Thức ăn, nước uống còn đủ không và đủ dùng trong bao lâu.
  • O – Observe: Quan sát. Quan sát môi trường xung quanh bạn, xem trời đã tối chưa, hiện tại là mấy giờ. Nhiệt độ như thế nào, có nơi nào để trú ẩn không.
  • P – Plan: Lên kế hoạch. Và khi đó, bạn bắt đầu vạch ra một kế hoạch sinh tồn, kết hợp dựa trên những gì đã suy nghĩ và quan sát được. 

Sự bình tĩnh chính là chìa khóa then chốt để bạn sống sót không chỉ cho tình huống bị lạc khi đi leo núi trekking mà còn trong cả cuộc sống.

Nếu không may bị thương, thì việc giữ bình tĩnh và áp dụng các kỹ năng sơ cứu cơ bản cần biết khi đi trekking trong rừng sẽ giúp ích rất nhiều cho các bạn !

Không đi lang thang

Không đi lang thang

Khi phát hiện ra mình bị lạc, ai cũng có xu hướng cố gắng tự tìm đường thoát ra. Có nên như vậy hay không? Hay ở yên chờ đợi cứu hộ? Nếu như bạn có thể tự tìm lối ra thì đã không gọi là bị lạc, việc cố gắng đi lang thang chỉ khiến cho tình hình càng trở nên tồi tệ hơn. Khi bạn càng đi quanh sẽ khiến cho bạn mất phương hướng, đi trong vô định. Càng đi bạn sẽ càng dễ rơi vào mê cung của núi rừng, càng đi càng hoảng loạn, càng đi càng không tìm được đường ra dẫn đến kiệt sức. Một điều nữa là khi bạn đi khỏi con đường ban đầu, những người quay lại tìm bạn sẽ không thể tìm thấy bạn.

Vậy nên, khi leo núi cần chuẩn bị gì? Cần nhất là một tinh thần thép và những kỹ năng cơ bản nhất để bạn có thể đối phó với những rủi ro như bị lạc. Khi bị lạc, bạn hãy thật bình tĩnh, ở yên tại chỗ và bắt đầu suy nghĩ những phương án để tự cứu mình. 

Thứ nhất, kiểm tra điện thoại và các thiết bị liên lạc, nếu chúng hoạt động tốt thì mọi chuyện rất đơn giản. Bạn chỉ cần chờ đợi mọi người đến hỗ trợ sau khi gọi điện và định vị vị trí.

Nếu không may các thiết bị liên lạc đều không còn hoạt động, chẳng hạn như hết pin thì sao? Đừng quá hoảng loạn mà cứ giữ vững tinh thần nhớ về những cách phát tín hiệu để mọi người có thể tìm ra bạn. 

Tìm chỗ trú ẩn an toàn

Tìm chỗ trú ẩn an toàn

Việc quan trọng hơn hẳn mà bạn cần phải làm trong lúc chờ đợi cứu hộ chính là dựng nơi trú ẩn an toàn. Theo quy tắc số 3, bạn sẽ không thể duy trì sự sống quá 3 giờ nếu bị mất thân nhiệt, trong khi thời gian dần trôi và trời dần tối, nhiệt độ sẽ xuống thấp hơn. Vậy nên, hãy tự tạo một nơi trú ẩn hoặc tìm nơi trú ẩn để che mưa, che gió và nhằm ngăn ngừa tình trạng thất thoát nhiệt.

Theo kinh nghiệm nếu bị lạc khi đi leo núi trekking, bạn hãy dựa vào 2 yếu tố sau đây để tìm nơi trú ẩn. 

  • Thứ nhất là vị trí, vị trí này nên tránh xa các mối nguy hiểm như vách núi, con suối hoặc những mỏm đá nhấp nhô. 
  • Thứ hai là nơi trú ẩn phải cách nhiệt, tức là che được mưa, chắn được gió, có chỗ để bạn ngồi nghỉ ngơi. Đó có thể là những nơi trú ẩn tự nhiên như hang động, gốc cây rỗng,..

Còn nếu khi chuẩn bị đồ đi trekking, bạn có đem đủ vật dụng để làm lều trại thì quá tốt. Bạn có thể kết hợp thêm cùng những vật liệu như cây cối trong rừng để làm trụ căng lều hoặc tăng. Nếu dây thừng không đủ, bạn có thể quan sát xung quanh và tận dụng các loại dây leo. Trước khi dựng lều hoặc vào nơi trú ẩn, nhớ quan sát kỹ và dùng cây khua xung quanh để xua đuổi các loại côn trùng rắn rết trú ngụ ở đó trước bạn nhé. 

Tìm chỗ trú ẩn an toàn từ lều

Khi bạn rời khỏi con đường mình bị lạc để đến nơi trú ẩn, hãy nhớ để lại một vài ký hiệu để đồng đội có thể tìm được bạn nếu họ quay lại. Có thể là dùng sỏi viết lên đá hay khắc lên thân cây, cắm cây cột thêm vải hoặc dây có màu sắc nổi bật trên lối bạn đi. Hãy tận dụng hết tất cả các phương thức mà bạn biết để sinh tồn nhé.

Tìm thức ăn và nước uống sạch

Sau khi dựng được nơi trú ẩn, việc cần làm tiếp theo chính là lo về thức ăn và nước uống. Lượng nước và thức ăn mang theo có thể đủ để bạn dùng trong một thời gian ngắn, nhưng hãy tính đến trường hợp xa hơn là mọi người phải mất nhiều ngày để tìm ra vị trí của bạn. Hiện tại bạn còn sức khoẻ và sự minh mẫn, hãy tìm nguồn nước và thức ăn trước khi cơ thể yếu hơn.

  • Nước uống:
tìm nguồn nước sạch

Cơ thể con người chúng ta hơn 70% là nước, thế nên nước uống ở vị trí cao hơn cả lửa hay thức ăn trong danh sách những điều thiết yếu cho sinh tồn nơi hoang dã. Nhiều người bị lạc đã mất mạng vì thiếu nước, do không có nước uống hoặc ngộ độc vì uống phải nước bẩn trong tự nhiên. Vì vậy, ngoài việc tìm được nguồn nước để uống, bạn còn cần phải thật cẩn thận để phân biệt được nguồn nước nào uống được, nguồn nước nào không nên uống. Có 2 hướng cơ bản để bạn có được nước sạch sử dụng trong điều kiện bị lạc giữa rừng::

+ Nước từ sông, suối: Với nguồn nước này, bạn có thể sử dụng sau khi đã lọc sạch. Nếu bạn có đem theo dụng cụ lọc nước khi đi leo núi trekking thì vấn đề khá đơn giản, bạn chỉ việc lọc nước và sử dụng. Nếu không có dụng cụ lọc, bạn có thể tự tạo ra dụng cụ lọc với một cái chai hoặc ống tre, hay những vật liệu có sẵn trong rừng. Tuy nhiên, cách này chỉ có thể lọc được cặn bẩn chứ không thể tiêu diệt được vi khuẩn. Sau khi lọc, bạn nên đun sôi lại rồi uống.

(Cách lọc nước bằng chai: Bạn hãy đục nhiều lỗ nhỏ ở đáy của chai nước, sau đó lót vải hoặc dùng cỏ sạch nhét xuống phần đáy. Phủ thêm 1 lớp cát mịn sạch. Tiếp theo là lớp cát thô sạch và cuối cùng là sỏi. Như vậy bạn có thể có một dụng cụ lọc nước dùng tạm lúc nguy cấp.)

+ Trích nước từ lá cây: Nếu không may mắn và không tìm được con sông con suối nào thì bạn hãy nghĩ đến việc trích nước từ lá cây. Hãy chọn nơi có nhiều ánh sáng mặt trời, chọn 1 cành cây có nhiều lá và được chiếu trực tiếp bởi mặt trời. Dùng những túi nilon đem theo bọc quanh chùm lá đã chọn, buộc thật kỹ và chờ đợi. Lá cây có chứa một nguồn nước dồi dào và dễ trích xuất dưới tác động nhiệt của ánh sáng mặt trời.

Ngoài ra, nếu trời mưa thì bạn hãy tận dụng tất cả những vật dụng có thể để lấy nguồn nước “may mắn” này nhé. Hãy nhớ luôn đun sôi bất kỳ nguồn nước nào trước khi sử dụng.

  • Thức ăn:
thức ăn khi leo núi

Sau khi giải quyết được vấn đề nước uống, bạn bắt đầu xử lý đến nhu cầu ăn. Chúng ta có thể sống sót trong 3 tuần khi thiếu thức ăn, mặc dù bạn sẽ mệt mỏi và đói meo nhưng bạn vẫn sống được. 

Thế nên, việc đầu tiên là bạn hãy kiểm tra hết lượng thức ăn còn trong balo, hãy chia nhỏ phần ăn ra làm thật nhiều phần mà bạn cảm thấy có thể được. 

Tiếp theo, quan sát xung quanh và tìm kiếm nguồn thức ăn có trong tự nhiên. Với những vùng đồi núi, rừng rậm của Việt Nam phần lớn sẽ có rất nhiều hoa quả dại có thể ăn được, như chuối, dâu rừng, sim,…đương nhiên bạn cần có một kiến thức về thiên nhiên để phân biệt được cây nào là cây nào, cây nào có độc và cây nào là thức ăn. Ngoài ra, nếu có sông suối, bạn có thể bắt cá hoặc cua, ốc thậm chí là một số loại côn trùng khi cần thiết. 

Vậy nên, khi hỏi đi leo núi cần chuẩn bị những gì? Bạn đừng chỉ chú trọng đến những yếu tố bên ngoài như trang phục, đồ nghề. Mà quan trọng trên tất cả chính là kiến thức và kỹ năng, để có thể giúp bạn sống sót qua những rủi ro có thể đến bất cứ khi nào.

Tạo ra 1 đống lửa và giữ cho đóng lửa luôn cháy

Tạo ra 1 đống lửa và giữ cho đóng lửa luôn cháy

Mặc dù không phải là yếu tố đặc biệt nhất để duy trì sự sống nhưng lửa lại là một kỹ năng sinh tồn quan trọng và hữu ích nhất khi bạn bị lạc. Lửa có thể giúp làm ấm cơ thể và nơi trú ẩn của bạn, giúp làm khô quần áo, đun sôi nước uống, nấu thức ăn. Ngoài ra, lửa còn đem lại cảm giác an toàn, xua đi bóng tối, hỗ trợ bạn về mặt tâm lý để bình tĩnh hơn và bớt lo lắng hơn. Giữa rừng hoang đồi vắng, lửa còn có thể xua côn trùng, thú hoang và những mối nguy hiểm tiềm ẩn từ thiên nhiên. Ánh lửa còn có thể giúp mọi người dễ dàng tìm thấy bạn hơn.

Quan trọng là cách tạo lửa như thế nào? Lại một minh chứng nữa cho thấy, việc bạn chuẩn bị chu đáo trước khi đi leo núi trekking cần thiết ra sao. Nếu bạn có đem bật lửa và hộp diêm, mọi vấn đề được giải quyết nhanh chóng và dễ dàng. Bạn chỉ việc nhặt những cành cây, củi khô có sẵn trong tự nhiên, sử dụng bật lửa là đã có thể tạo được một đống lửa hoàn hảo. Để duy trì lửa cháy lâu và không tàn, bạn có thể dùng cây đào một hố nhỏ, sau đó chất những cành cây to, củi to thành đống, gom lá mục và rơm cỏ xung quanh phủ lên, tiếp đến là những cành cây nhỏ hơn. Như vậy bạn có thể dễ dàng đốt lửa và lửa cháy lâu hơn. Bạn cũng có thể tìm một số tảng đá to đặt xung quanh đống lửa để chắn bớt gió và còn có thể ngăn lửa cháy lan ra xung quanh gây nguy hiểm.

Tìm bất cứ cách nào phát đi tín hiệu tại chỗ cho người tìm kiếm có thể thấy từ khoảng cách xa

Tìm bất cứ cách nào phát đi tín hiệu tại chỗ cho người tìm kiếm có thể thấy từ khoảng cách xa

Sau khi giải quyết tất cả các nhu cầu cấp thiết, bạn bắt đầu tìm giải pháp để phát tín hiệu tại chỗ để mọi người có thể tìm ra bạn ở khoảng cách xa. Với thời buổi công nghệ hiện đại, thì điện thoại luôn là vật bất ly thân và là phương tiện cầu cứu đầu tiên mà bạn có thể sử dụng. Gọi cho porter, đội cứu hộ trong vùng, cảnh sát hoặc những số điện thoại khẩn. Trong trường hợp điện thoại không có sống hoặc hết pin, bạn bắt đầu đến những phương án khác. Tận dụng mọi thứ mà bạn có được.

  • Còi: Nếu có một chiếc còi, hãy tạo tín hiệu âm thanh theo quy tắc. Khi thổi còi, bạn hãy thổi 3 hồi có độ dài vừa đủ, cách nhau một khoảng thời gian gần bằng nhau. Sau khi nghỉ một khoảng thời gian dài hơn rồi lại tiếp tục thổi 3 hồi còi nữa. Việc thổi 3 hồi còi đại diện cho lời cầu cứu. Không chỉ đối với còi, mà với bất kỳ tín hiệu cầu cứu bằng âm thanh nào bạn cũng nên áp dụng quy tắc này.
  • Khói và lửa: Đây là một tín hiệu rất hiệu quả để cầu cứu đội cứu hộ nếu bạn bị lạc khi đi leo núi trekking. Để đốt lửa và tạo cột khói cao để cầu cứu, bạn cần chọn nơi rộng thoáng và đốt 3 đống lửa theo hình tam giác, cách nhau khoảng 25-30m để trực thăng cứu hộ có thể nhận ra dễ dàng. Tuy nhiên, bạn cần phải cẩn thận, đừng để lửa trở thành tai hoạ cho bạn và cả khu rừng.
  • Gương: Việc phản chiếu ánh sáng cũng rất hiệu quả để thu hút sự chú ý của cứu hộ từ trên cao. Trong trường hợp bạn nghe thấy động cơ trực thăng đang tìm kiếm bạn từ trên, hãy áp dụng biện pháp này. Bạn có thể tìm một vị trí cao, đặt mặt gương về hướng ánh sáng để tạo sự phản chiếu, làm sao cho đội cứu hộ có thể nhận ra vị trí hiện tại của bạn.

Không được chủ quan để mình lạc đoàn

Không được chủ quan để mình lạc đoàn

Và cuối cùng, khi đi trekking bạn phải thật cẩn thận trên suốt cả hành trình, không được chủ quan dù có kinh nghiệm hay chưa để tránh không bị lạc khỏi đoàn. Ngoài ra, yếu tố thể lực cũng rất quan trọng. Bạn phải thường xuyên tập thể thao, sinh hoạt khoa học để có được thể chất tốt mới tham gia trekking. Nên lường trước những rủi ro về sức khỏe, tuyệt đối không nên tham gia chỉ vì những lời mời phút chốc mà không có sự chuẩn bị. Mặc dù đi trekking rất thú vị và hấp dẫn, nhưng cũng rất mệt, vất vả và nhiều chướng ngại phải vượt qua bằng chính sức lực của mình. Nếu chưa tự tin về bản thân, đừng tham gia vì bạn sẽ dễ bị đuối sức giữa đường, dễ bị tụt lại phía sau và lạc khỏi đoàn.
Hãy luôn đặt sự an toàn của bản thân lên trên hết. Hãy lên kế hoạch thật chu toàn và nắm rõ những nguyên tắc an toàn khi đi leo núi trekking, nên tham khảo kinh nghiệm khi đi leo núi cần chuẩn bị gì, từ đó trang bị đầy đủ cho bản thân. Tuyệt đối đừng quên những bài học kỹ năng vừa được chia sẻ nữa nhé.