Được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Nam Bộ”, núi Bà Đen từ lâu đã là điểm đến yêu thích của đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Với độ cao 986m, trekking núi Bà Đen đem lại nhiều trải nghiệm thú vị. Hôm nay chúng ta hãy cùng tìm hiểu tất cả những thông tin cần thiết để trekking ngọn núi này, để giúp bạn có những trải nghiệm tốt nhất cho hành trình sắp tới nhé.

Giới thiệu về núi Bà Đen

Là ngọn núi cao nhất Đông Nam Bộ, núi Bà Đen vừa sở hữu dáng vẻ thiên nhiên hùng vĩ, vừa nổi tiếng là nơi quy tụ quần thể kiến trúc phật giáo linh thiêng lâu đời. Đến với núi Bà Đen, bạn vừa có thể hành hương bái phật, vừa phượt núi Bà Đen với nhiều cung đường rất thú vị. Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu đôi nét về địa lý của ngọn núi này nhé.

Núi Bà Đen ở đâu?

Núi Bà Đen là một trong 3 ngọn núi tạo nên quần thể di tích văn hoá lịch sử núi Bà. Núi Bà Đen nằm ở phía Đông Bắc thành phố Tây Ninh, thuộc địa phận xã Thạnh Tân, cách thành phố Tây Ninh 11km. Chỉ cách thành phố Hồ Chí MInh khoảng 100km, nên núi Bà Đen còn là điểm du lịch đông đúc vào những dịp cuối tuần, lễ Tết cuối năm, đặc biệt là vào hội Xuân và những thời điểm diễn ra lễ Phật. Ngày nay với hệ thống cáp treo tân tiến hiện đại, người trung niên hoặc cao tuổi đều có thể hành hương lên núi. Còn đối với giới trẻ thì leo núi Bà Đen là hoạt động rất được yêu thích, vừa thử thách bản thân, rèn luyện sức khoẻ lại còn tận hưởng được cảm giác hưng phấn khi chinh phục nóc nhà Đông Nam Bộ.

Tại sao gọi núi Bà Đen?

Vì sao lại có tên gọi núi Bà Đen? Đây là thắc mắc của rất nhiều người. Thật ra, nguồn gốc tên gọi này bắt đầu bằng một truyền thuyết liên quan đến người con gái tên Lý Thị Thiên Hương. Chuyện kể rằng, bà Đen tên thật là Lý Thị Thiên Hương, con gái một vị quan trấn nhậm Trảng Bàng thuộc triều Nguyễn. Trong làng, có chàng trai tên Lê Sĩ Triệt, mồ côi cha mẹ, văn hay võ tốt. Một lần, Thiên Hương lên núi cúng chùa thì bị một đám côn đồ vây bắt. Giữa lúc nguy khốn thì Lê Sĩ Triệt xông ra cứu giúp, để đền ơn, cha mẹ Thiên Hương đã hứa gả nàng cho Lê Sĩ Triệt. Tuy nhiên, chưa kịp thành thân thì Lê Sĩ Triệt đã tòng quân đánh Tây Sơn. Trong một lần lên núi cúng, Thiên Hương bị kẻ xấu vây bắt toang hãm hiếp. Để giữ lòng trung trinh nàng Hương nhảy xuống khe núi tử tiết.

bà đen

Sau khi chết, nàng Thiên Hương hiển thánh báo mộng cho vị sư trụ trì trên núi biết. Trong mộng, nàng xuất hiện trong hình dáng một người phụ nữ đen đúa. Vị sư theo mộng, đi tìm và thấy thi thể nàng, đem về mang táng. Vì vậy, nhà sư mới gọi nàng là nàng Đen. Về sau, người đời gọi là Bà Đen để tỏ lòng tôn kính. Và núi Bà Đen được truyền tên từ đó.

Leo núi Bà Đen mất bao lâu?

Với độ cao 986m, núi Bà Đen cũng là một hành trình mất nhiều công sức để chinh phục nếu không dùng cáp treo. Để leo núi Bà Đen có nhiều đường, đường chùa, đường cột điện hay đường đá trắng,…Tuỳ vào mỗi cung đường và sức khoẻ mà bạn sẽ mất khoảng thời gian khác nhau. Trung bình sẽ mất khoảng 3-7 tiếng để chinh phục đỉnh núi. Thời gian có thể dài thêm nếu đường khó đi và thời tiết xấu.

Leo núi Bà Đen mất bao lâu? Chọn cung đường phù hợp với mình sau khi trả lời câu hỏi trên.

Leo núi Bà Đen cần chuẩn bị gì?

Nếu quyết định trekking không cần đến cáp treo, thì bạn nên chuẩn bị thật kỹ lưỡng trước khi lên núi. Vì đường lên núi không chỉ hơi khó đi mà còn có những đoạn thẳng dốc. Nếu không trang bị kỹ càng sẽ gặp khó khăn giữa hành trình nhé. Để có được trải nghiệm tốt nhất khi leo núi Bà Đen Tây Ninh, bạn cần chuẩn bị những vật dụng cần thiết sau:

  • Trang phục: Giày leo núi thoải mái, vì là nơi có đền chùa nên bạn ăn mặc cần lịch sự, đơn giản và gọn nhẹ để leo núi dễ dàng hơn, nên trang bị áo khoác chống nắng, áo mưa chống nước, mũ che nắng, áo ấm vì ban đêm nhiệt độ núi trên cao rất thấp.
  • Thuốc: Núi non vốn là nơi có khí hậu ẩm thấp, rừng cây rậm rạp nên sẽ có nhiều rắn rết, muỗi,..do đó bạn cần đem theo những loại thuốc cần thiết khi bị côn trùng cắn. Ngoài ra, thuốc đau bụng, thuốc cảm sốt, cầm máu đều cần có.
  • Dụng cụ leo núi: Dây thừng, bao tay, bảo hộ gối và khuỷu tay, bản đồ, đèn pin.
  • Thức ăn: Dọc đường lên núi Bà Đen có bán khá nhiều đồ ăn và thức uống, tuy nhiên giá cả cũng khá đắt nhất là càng lên cao. Ngoài ra, nếu bạn trekking theo lối đường mòn thì sẽ không có hàng quán. Do đó, nên đem theo đồ ăn, nước uống, đủ dùng không nên đem quá nhiều khiến bạn vất vả hơn khi leo núi.
  • Cắm trại: Nếu bạn quyết định cắm trại qua đêm trên đỉnh núi thì không thể thiếu lều trại, bếp nướng BBQ, khay nướng, than củi, đồ dùng ăn uống, thức ăn, bật lửa. Lưu ý sau khi cắm trại bạn nên dọn vệ sinh sạch sẽ nhé, đừng quên cẩn thận về củi lửa để bảo vệ môi trường thiên nhiên.

Và cuối cùng là nên chuẩn bị một sức khỏe thật tốt trước khi bắt đầu hành trình đi phượt núi Bà Đen nhé.

Hướng dẫn leo núi Bà Đen

Mặc dù chỉ mất vài phút cáp treo là bạn đã có thể lên đến chùa Bà Đen, tuy nhiên, đa số bạn trẻ đều chọn cách leo núi đường bộ để có thể tận hưởng cảm giác chinh phục độ cao và rèn luyện thể lực. Thực tế có đến 7 ngả đường để có thể lên đến đỉnh núi Bà Đen. Từ đơn giản cho đến khó khăn và cả nguy hiểm. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng khám phá 4 con đường tương đối an toàn để bạn có thể trekking núi Bà Đen nhé:

Những nguyên tắc an toàn khi đi leo núi trekking mà bạn phải nằm lòng

Leo núi Bà Đen đường chùa

Leo núi Bà Đen đường chùa

Trong tất cả các con đường, thì leo núi bà đen đường chùa là lối dễ đi nhất. Bạn chỉ mất trung bình khoảng 3-4 tiếng để chinh phục đỉnh núi. Đường chùa đã được xây thành lối đi với các bậc thang xi măng, bạn chỉ việc đi theo hướng của những bậc thang này và chỉ dẫn hai bên đường là đến được đích. Từ phía cổng khu di tích núi Bà Đen, bạn leo theo bậc thang lên hướng chùa Bà. Với lối đi này, bạn vừa có thể vừa leo núi, nghỉ ngơi, ăn uống, thắp nhang bái phật vì hai bên đường có nhiều đền và miếu. Ngoài ra, còn có rất nhiều hàng quán bán quà lưu niệm và đặc sản địa phương như me thái, mãng cầu Tây Ninh, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng hay muối tôm Tây Ninh nổi tiếng gần xa.

Đường chùa với những bậc thang xây chỉ đến khu vực chùa Bà Đen. Để tiếp tục hành trình trekking lên đỉnh núi thì bạn cần vòng ra phía sau chùa Bà, sẽ có lối mòn dẫn lên đỉnh. Khá nhiều người chọn đi đường này, do đó lối mòn tương đối rõ và cũng dễ đi. Cũng có những đoạn khá trơn trượt và dốc cao cần bám vào đá để leo lên. Do đó, bạn cần trang bị kỹ đèn pin chiếu sáng và găng tay nếu đi vào ban đêm nhé.

Leo núi Bà Đen đường cột điện

leo núi bà đen đường cột điện
Đường cột điện núi bà đen dài bao lâu? Leo mất bao nhiêu thời gian

Một hướng để leo núi bà Đen cũng khá dễ đó là đi theo đường cột điện. Giống như tên gọi, bạn cứ quan sát đường cột điện dẫn phía trên đầu mà đi theo. Với con đường này bạn cũng chỉ mất tầm 3-5 tiếng là lên đến đỉnh sau khi chinh phục khoảng 100 cột điện.

Đa phần đoạn đường này cũng là đường mòn với những bậc thang. Có khoảng chừng 30% đoạn đường là đường đá, bạn sẽ gặp khó khăn vất vả đôi chút với đoạn đường này. Vì những mỏm đá khá to, phải vận động leo trèo và bám chắc, tuy nhiên không quá khó nhằn. Bắt đầu bạn cứ men theo đường bờ tường, có một con đường mòn nhỏ. Sau khi đi khoảng chừng 200-300 mét bạn sẽ thấy những mũi tên chỉ đường được sơn trên cây hoặc các tảng đá. Và bạn chỉ cần bám theo những hướng mũi tên này là được.

Sau khi leo đến cột điện 55, bạn sẽ thấy có một dòng suối nhỏ xinh đẹp. Bạn có thể dừng nghỉ ngơi, ăn nhẹ và uống nước. Đoạn còn lại tương đối dễ đi hơn chút, cây cối bớt rậm rạp nên không khí bắt đầu thoáng đãng và trong lành dễ chịu vô cùng. Và nhiều bạn đã chọn leo núi vào ban đêm để bớt nắng nóng, đồng thời còn có thể cảm nhận cả mây và sao trên đỉnh núi bao la.

Leo núi Bà Đen đường đá trắng

Leo núi Bà Đen đường đá trắng

Đối với dân mê trekking núi Bà Đen, thì chinh phục đỉnh núi bà đen bằng đường đá trắng mới là con đường đầy mê hoặc và cũng lắm chông gai. Trước khi hướng dẫn, thì bạn nên biết rằng đây là con đường thật sự khó, đòi hỏi nhiều kỹ năng vận động và cả sự mạo hiểm. Đối với dân đi phượt núi, thì điểm chinh phục trên con đường đá trắng không phải là đỉnh núi mà chính là bãi cắm trại Đá Bàn nằm ở lưng chừng núi với con dốc 700 huyền thoại.

Bãi Đá Bàn là một địa điểm cắm trại lý tưởng với một phiến đá lớn, bằng phẳng, tầm hình cực kỳ đẹp để có thể săn mây, ngắm sao và cả thành phố Tây Ninh phía xa. Để lên được bãi Đá Bàn, bạn phải chinh phục được con dốc 700, gọi là dốc 700 vì nó dài 700m, gần như dựng đứng, là đoạn đường thử thách nhất trên cung đường đá trắng. Cách an toàn để vượt qua con đường này là cần người khoẻ dẫn đường leo lên trước, sau đó thả dây thừng và người tiếp bám sợi dây để leo lên. Bạn nên trang bị găng tay và giày có độ bám cao, vì hầu như để vượt qua con đường này bạn cần phải bám vào đá và leo qua.

Sau khi qua bãi Đá Bàn, bạn phải đi thêm khoảng 5 giờ nữa mới lên được đến đỉnh núi Bà Đen. Mặc dù cung đường này khó khăn, nhưng lại đem đến những trải nghiệm chinh phục không thể nào diễn tả được. Thiên nhiên thơ mộng, từng cơn gió mát lành, trăng sao trên trời như sa xuống mặt đất. Nếu chọn ngủ qua đêm trên bãi Đá Bàn, bạn cần cẩn thận chọn chỗ ngủ, vì phía dưới là vực sâu rất dễ trượt ngã. Sau một đêm đầy sao, bạn sẽ thức dậy với bình minh rực rỡ từ phía hồ Dầu Tiếng, một cảm giác thư thái đến không ngờ và hoàn toàn xứng đáng với hành trình cam go mà bạn vừa chinh phục.

Xử lý như thế nào nếu bị lạc khi đi leo núi, trekking ?

Leo núi Bà Đen đường ma thiên lãnh

Leo núi Bà Đen đường ma thiên lãnh

Cũng như cung đường đá trắng, leo núi Bà Đen đường Ma Thiên Lãnh được đánh giá cao về độ khó. Với những ai có thể lực tốt sẽ mất 5-6 tiếng để chinh phục, với ai có thể lực thường thì mất từ 10-12 tiếng để lên đến đỉnh. Lời khuyên là cung đường này chỉ dành cho những ai có kinh nghiệm leo núi, xác định địa hình, tốt nhất là nên có một người dẫn đường thân thuộc. Vì cung đường Ma Thiên Lãnh hầu như không có lối mòn.

Đến chân núi Bà Đen, bạn hỏi người dân địa phương đường dẫn vào Ma Thiên Lãnh, gửi xe ở nhà dân và bắt đầu hành trình. Mở đầu đoạn đường đã rất gian nan, hầu như là những con dốc đá cao nối tiếp nhau, bạn sẽ phải vượt qua những tảng đá to với balo nặng trĩu trên lưng. Có những đoạn dốc cao bạn không thể vượt qua một mình mà cần có đồng đội trợ giúp. Càng vào sâu trong rừng, độ khó càng cao, nếu cảm thấy đuối sức từ đầu bạn nên quay lại, vì khi đã vào giữa rừng, muốn quay ra cũng rất khó khăn.

Tuy nhiên, nếu đủ sức khoẻ và khả năng để chinh phục thì bạn sẽ thấy hoàn toàn xứng đáng với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ từ đỉnh núi Bà theo hướng Ma Thiên Lãnh. Những cánh đồng xanh bát ngát, những con phố dài của Tây Ninh hay hồ Dầu Tiếng mênh mông thơ mộng. Những đợt gió mát lành lồng lộng, cả bầu trời rợp ánh sao, bạn có thể ngồi nghỉ ngơi và thư giãn với cảm giác chinh phục vừa rồi. Thả hồn vào trời đất và hít căng tràn lồng ngực bầu không khí trong lành đến lạ.
Đương nhiên là hành trình xuống núi bạn nên chọn lối đi dễ dàng hơn vì đã tiêu hao khá nhiều năng lượng cho chặn đường lên rồi. Con đường đi xuống nên đơn giản để đảm bảo an toàn hơn. Đặc biệt lưu ý không nên chinh phục con đường Ma Thiên Lãnh một mình nếu bạn không phải là một phượt thủ chuyên nghiệp hay vận động viên leo núi quốc gia nhé.

Các kỹ năng sơ cứu cơ bản cần biết khi đi trekking trong rừng

Như vậy chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu tất cả những thông tin về hành trình chinh phục núi Bà Đen Tây Ninh rồi nhé. Hy vọng rằng bạn sẽ cảm thấy hữu ích với những gì vừa được chia sẻ, cũng như có được một chuyến đi phượt núi Bà Đen cực kỳ tuyệt vời nhé.