Núi Chứa Chan hay còn được gọi với cái tên là núi Gia Lào, có độ cao khoảng 837m và là địa điểm leo núi, trekking được nhiều người yêu thích. Bạn đang có ý định chinh phục ngọn núi này? Vậy thì đừng bỏ qua hướng dẫn leo núi Chứa Chan chi tiết cho người mới bắt đầu dưới đây nhé!

Giới thiệu về núi Chứa Chan

Lịch sử núi Chứa Chan

Vào những năm 1945, núi Chứa Chan chính là nơi xây dựng nhà nghỉ dành cho những quan chức của bộ máy thuộc địa Pháp ở Đông Dương. Nhà nghỉ này rộng khoảng 50m2, gồm 2 phòng và được xây dựng hoàn toàn từ đá. Khuôn viên nhà nghỉ còn có một hồ nước được thực hiện bằng cách đục từ một phiến đá nguyên khối để chứa nước. Vua Bảo Đại cũng đã từng xây dựng một ngôi biệt thự với khu vườn trà xung quanh. Tuy nhiên, ngôi biệt thự đã bị quân đội Mỹ phá bỏ vào thập niên 70 để xây dựng một sân bay dã chiến và trạm rada.

Núi Chứa Chan còn có di tích Mật khu Hầm Hinh từng được các lực lượng cách mạng sử dụng làm căn cứ thời chống Pháp, chống Mỹ. Hiện nay, dấu tích của khu di tích chính là những tảng đá khá độc đáo rải rác trong khu vực núi và bãi đá nhiều hình thú rộng khoảng 500m2.

Núi Chứa Chan ở đâu?

Núi Chứa Chan thuộc địa phận huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai và là một danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Với độ cao 837m so với mực nước biển, Chứa Chan là ngọn núi cao nhất tỉnh Đồng Nai, cao thứ hai ở Nam bộ và được mệnh danh là “Nóc nhà của Đồng Nai”.

Núi Chứa Chan có gì?

núi chứa chan

Ngọn núi này có cảnh sắc thiên nhiên hiếm gặp ở Nam bộ và là độc nhất vô nhị ở Đồng Nai. Dáng núi là hình vòng cung với ba ngọn đồi giống hình bát úp liên tiếp nhau. Và thế núi thì cao lớn, hùng vĩ. Vào buổi sáng, khung cảnh núi Chứa Chan rực rỡ dưới ánh nắng mặt trời nhưng khi chiều tà, sắc núi trở nên âm u, bí ẩn trên nền trời xám trắng. Các hang động trong khu vực núi thì được tạo thành bởi các khối đá to lớn ngầm trong lòng núi và có các khe suối nhỏ nước chảy quanh năm ở trong lòng hang. Đây cũng chính là nơi được nhiều vị thiền sư thời xưa chọn làm nơi thiền định mà đến nay vẫn còn dấu tích. Núi Chứa Chan còn có những dòng suối tươi mát ẩn mình dưới rừng cây bạt ngàn không bao giờ cạn và các bãi đá tự nhiên kỳ vĩ.

Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, ngọn núi này còn sở hữu một quần thể thắng cảnh độc đáo bậc nhất Đông Nam Bộ với chùa Lâm Sơn, chùa Bửu Quang, chùa Linh Sơn, vườn trà của vua Bảo Đại, nhà nghỉ của toàn quyền Pháp, Mật Khu Hầm Hinh, “Cây da ba gốc một ngọn”…

Đường đi đến núi Chứa Chan

Núi Chứa Chan chỉ cách thành phố Hồ Chí Minh tầm 100km nên việc di chuyển đến ngọn núi này khá dễ dàng và bạn có thể lựa chọn đi bằng xe máy hoặc xe khách.

Đường đi đến núi Chứa Chan

Di chuyển bằng xe khách

Nếu muốn di chuyển bằng xe khách thì bạn cần ra bến xe Miền Đông, TPHCM và chọn xe khách chạy tuyến Bình Thuận, Đức Linh. Những xe chạy theo tuyến này sẽ đi qua núi Chứa Chan nên bạn hãy xin dừng ở cổng chào khu du lịch núi Chứa Chan. Sau đó, bạn chỉ cần đi bộ tiếp hoặc bắt xe ôm để di chuyển thêm khoảng 2-3km để vào bên trong.

Di chuyển bằng xe máy

Nếu bạn di chuyển bằng xe máy và xuất phát từ TPHCM thì hãy đi theo hướng xa lộ Hà Nội xuống Cầu Đồng Nai. Khi đi qua trạm thu phí thì bạn hãy rẽ phải vào QL51 và đi thẳng đến Võ Nguyên Giáp. Tiếp đến, bạn đi đến cuối đường và rẽ phải để vào QL1A. Sau đó, bạn tiếp tục đi thẳng đến Trảng Bom – Long Khánh và khi đến vòng xuyến Long Khánh thì rẽ trái để vào đường Nguyễn Văn Bé. Bạn đi tiếp thêm một đoạn thì sẽ thấy ngã ba Ông Đồn Đồng Nai, rẽ phải và di chuyển thêm khoảng 200m là bạn sẽ thấy đường leo núi Chứa Chan Gia Lào.

Nếu bạn đang băn khoăn không biết gửi xe ở đâu thì đừng lo, từ ngã ba Ông Đồn đi vào bên trong có khá nhiều cửa hàng cho gửi xe và thuê đồ leo núi. Bạn lưu ý là nếu muốn gửi qua đêm thì báo với cửa hàng luôn nhé!

Ngoài núi Chứa Chan ra, còn những địa điểm leo núi gần tphcm mà bạn có thể tham khảo để khám phá thêm !

Leo núi Chứa Chan có khó không?

Đây là điều mà nhiều người quan tâm khi lần đầu đến núi Chứa Chan. Ngọn núi này tuy có độ cao 837m, cao thứ hai Nam Bộ nhưng vì đã có hệ thống cáp treo, cột điện và đường mòn nên việc phượt núi Chứa Chan không quá khó khăn. Để lên đến đỉnh núi thì bạn có thể lựa chọn một trong hai cung đường:

Đường chùa: Đặc điểm của đường này là dài, không được sạch lắm và dễ lạc. Để không phải di chuyển quá dài và để tiết kiệm thời gian thì bạn có thể đi cáp treo và sau đó trekking khi tới quãng đường mòn còn lại.

Đường cột điện: Cung đường này có ưu điểm là dễ đi, đường ngắn và hạn chế được việc bị lạc. Trên núi Chứa Chan có tầm 125 cột điện và bạn chỉ cần đi theo những cột này. Ngoài ra, nếu đi theo đường cột điện thì bạn còn có cơ hội ngắm nhìn khung cảnh rừng núi xung quanh.

Những nguyên tắc an toàn khi đi leo núi trekking mà bạn phải nằm lòng

Hướng dẫn leo núi Chứa Chan

Tùy theo khả năng và sở thích bạn có thể lựa chọn đi theo đường chùa hoặc đường cột điện. Dưới đây là hướng dẫn các cách di chuyển thuận tiện nhất theo cả hai cung đường:

Leo núi Chứa Chan bằng đường chùa

Leo núi Chứa Chan bằng đường chùa

Đây là một cung đường khá đông đúc vì có nhiều người ghé thăm các ngôi chùa để hành hương. Hành trình đi theo đường núi thường sẽ mất khoảng 3 giờ. Có khá nhiều những cửa hàng ở hai bên đường đi nên bạn sẽ thấy đường đi đến chùa khá đông đúc và nhộn nhịp. Tuy nhiên, khi đã đi qua chùa thì đường đi xung quanh sẽ vô cùng hiu quạnh.

Đường lên chùa là những bậc thang đá hoặc xi măng khiến nhiều người có cảm giác dễ đi nhưng thực tế thì khá khó khăn và mệt, mất sức khi di chuyển. Thêm nữa, vì đường chùa khá dài nên nếu bạn không quen với việc trekking đường dài thì nên đi bằng cáp treo để lên chùa và tiếp đó đi theo đường mòn để lên được đỉnh núi.

Leo núi Chứa Chan bằng đường cột điện

Leo núi Chứa Chan bằng đường cột điện

Nếu trekking núi Chứa Chan theo đường cột điện thì bạn chỉ cần quan sát và đi theo các số trên cột điện nên có thể hạn chế phần nào việc bị lạc đường. Ngọn núi này có 125 cột điện và được bắt đầu đánh số từ số 20 nên bạn sẽ đến đích khi thấy cột điện số 145.

Ở đoạn đường đầu, do không có nhiều cây có tán lớn nên bạn sẽ có thể thấy khá nắng nóng. Nhưng khi đã đi qua đoạn đường này thì bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy dễ chịu nhờ tán cây rộng che mát và bị hấp dẫn bởi khung cảnh của những cánh đồng cỏ lau ở hai bên đường đi. Và càng đi lên cao thì cảnh sắc thiên nhiên lại càng tuyệt đẹp. Cung đường này còn có những đoạn đường mà bạn được đi xuyên qua khu rừng tre, rừng trúc.

Nếu bạn chưa có kinh nghiệm phượt ở Chứa Chan thì hãy lưu ý mốc cột điện số 98. Khi đi từ cột điện 98 sang 99, bạn hãy ghi nhớ vị trí của cột 99 là nằm ở phía bên tay phải để không để đi nhầm sang những cột điện khác. Nếu bạn đi vào ban ngày thì bạn sẽ nhìn thấy đường dây điện nên hạn chế việc bị lạc hơn.

lưu ý mốc cột điện số 98

Sau khi bạn đi xuyên rừng trúc, thì đoạn đường từ cột điện 115 trở đi, bạn sẽ không tránh khỏi việc bị nắng do hai bên đường ít cây hơn. Tiếp tục hành trình và khi đi đến cột điện 134 thì bạn có thể cắm trại được rồi. Ở đây có bãi đất trống bằng phẳng và view ngắm cảnh xung quanh cực đẹp và thơ mộng. Đây cũng chính là một địa điểm lý tưởng nếu bạn muốn cắm trại qua đêm. Khung cảnh quãng đường từ cột điện 134 đến cột số 145 vô cùng tuyệt vời với những cánh đồng cỏ vàng và dãy núi hùng vĩ ở xung quanh. Đặc biệt, khu vực này còn có một mỏm đá được rất nhiều các bạn trẻ check in “sống ảo”.

Kinh nghiệm leo núi Chứa Chan

Theo như kinh nghiệm đi núi Chứa Chan Gia Lào của nhiều người thì dù có rất nhiều những cửa hàng cho thuê đồ cắm trại, leo núi ở phía dưới ngã ba Ông Đồn nhưng bạn vẫn nên chủ động mang theo đồ dùng của mình để tiện lợi hơn và có thể trải nghiệm được chuyến đi một cách trọn vẹn nhất. Vì leo núi Gia Lào không phải là một hành trình quá khó khăn nên bạn chỉ cần chuẩn bị những vật dụng cơ bản như sau:

Lều:

lều

Tùy vào số lượng người đi mà bạn nên mang theo lều có kích thước phù hợp. Ngoài ra, bạn cũng nên mua loại lều 2 lớp nếu cắm trại qua đêm vì đêm trên núi có sương khá dày và khá lạnh, lều 2 lớp sẽ giúp giữ ấm và hạn chế việc đọng sương vào trong lều. Để đảm bảo độ chắc chắn cho lều thì bạn nên lưu ý chọn hướng phù hợp, đồng thời căng hết các dây và đóng cọc đầy đủ cho lều.

Tấm tăng:

tấm tăng

Tấm tăng cũng là một vật dụng cần thiết cho chuyến đi của bạn. Bạn hãy căng tấm tăng đúng cách để tấm căng không bị gió thổi đi nhé!

Balo leo núi:

balo leo núi

Bạn cần sử dụng loại balo leo núi chuyên dụng để có thể mang được nhiều đồ và cảm thấy thoải mái khi đeo.

Gậy leo núi:

gậy leo núi

Khi trekking Chứa Chan thì bạn cũng cần mang theo gậy leo núi vì đường leo núi có nhiều đoạn khá dốc. Và với balo nặng trên lưng thì gậy leo núi sẽ là trợ thủ đắc lực cho việc di chuyển của bạn.

Giày leo núi:

đồ mặc khi leo núi

Bạn nên chọn một đôi giày leo núi phù hợp để không bị trơn trượt hoặc bị đau chân khi di chuyển trên núi.

Quần áo:

Bạn nên chọn trang phục leo núi thoáng mát và nhanh khô. Còn với quần áo để mặc và ngủ thì bạn nên chọn loại có vải dày để giữ ấm tốt nhất.

13 lời khuyên hàng đầu về cách làm khô quần áo khi đi leo núi trekking

Dụng cụ nấu ăn:

dụng cụ nấu ăn dã ngoại

Nếu bạn muốn tự nhóm lửa thì hãy mang theo than vì trên núi sẽ có khá ít cành cây khô vì đêm xuống ẩm ướt và nếu dùng củi tươi vì sẽ rất mất thời gian. Còn nếu bạn muốn nấu ăn bằng bếp gas thì hãy chuẩn bị một bếp dã ngoại và hai bình gas mini.

Nước:

nước uống

Ngoài lượng nước dùng để nấu ăn thì mỗi người nên mang theo tầm 1,5L nước để đảm bảo có đủ nước uống.

Đồ ăn:

Để ăn nhẹ trên đường đi thì bạn nên mang theo các loại thực phẩm như xúc xích, mì gói, lương khô, bánh kẹo… Còn nếu muốn cắm trại qua đêm thì bạn nên mang theo thịt, xúc xích và Mashmalow để nướng. Bạn nên lưu ý là không nên ăn quá no vào buổi sáng và uống nước quá nhiều trước khi xuống núi để không bị sốc hông.

Ngoài ra, bạn nên chuẩn bị cả đèn treo lều, đèn pin, bao ống tay, khăn đa năng, nón, dao, túi ngủ, thuốc xịt côn trùng, thuốc và dụng cụ sơ cứu (bông, gạc, ego, kéo…)…

Các kỹ năng sơ cứu cơ bản cần biết khi đi trekking trong rừng

Bên cạnh đó, bạn cũng nên lưu ý một số điều như sau khi đi leo núi Chứa Chan:
Khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau là thời điểm lý tưởng để đến với núi Chứa Chan. Lúc này thời tiết đã bước mùa khô và hạn chế trời mưa nên việc di chuyển sẽ thuận tiện và dễ dàng hơn khá nhiều.

Nhìn chung thì thời tiết ở núi Chứa Chan là nắng nóng quanh năm nhưng khi lên đến đỉnh núi thì sẽ mát mẻ và thoáng đãng hơn rất nhiều. Thậm chí, bạn sẽ cảm thấy se lạnh khi đêm xuống nên hãy chuẩn bị một chiếc áo khoác để phòng khi bị lạnh nhé!

Nếu bạn đi theo đường cột điện thì bạn sẽ không thể bắt gặp bất kỳ hàng quán, cửa hàng nào trong suốt quá trình di chuyển. Bởi vậy nên bạn hãy mang theo đầy đủ đồ ăn và nước uống cho cả hành trình.

Bạn hãy dọn dẹp sạch sẽ xung quanh sau khi ăn uống, tổ chức cắm trại và đảm bảo không có rác trước khi ra về để giữ gìn cảnh quan nơi đây nhé.

Núi Chứa Chan là một địa điểm leo núi lý tưởng, nhất là khi bạn đang tìm kiếm một nơi trekking gần Hồ Chí Minh. Với hướng dẫn leo núi Chứa Chan chi tiết cho người mới bắt đầu trên đây, hy vọng rằng bạn sẽ có một chuyến đi trọn vẹn với thật nhiều trải nghiệm thú vị.