Trước khi bắt đầu một hành trình đi trekking, bạn thường chuẩn bị những gì? Thường mọi người sẽ rất cẩn thận trong việc lựa chọn trang phục, đồ nghề, thức ăn nước uống,..nhưng lại bỏ qua một việc vô cùng quan trọng. Đó chính là trang bị cho mình những kỹ năng sinh tồn như sơ cứu và chăm sóc sức khỏe khi gặp phải những sự cố. Đặc thù của trekking là những chuyến vượt núi đồi, rừng rậm hoang sơ, ở những nơi này sẽ không đáp ứng được nhu cầu về y tế hay cấp cứu nhanh chóng. Do đó, bạn cần trang bị những kỹ năng cơ bản nhất sau đây để có thể tự cứu nguy cho bản thân và đồng đội nếu không may gặp sự cố nhé.
Để hạn chế tối đa những tại nạn có thể xãy ra khi đi trekking trong rừng, thì bạn cần biết những nguyên tắc an toàn khi đi leo núi trekking mà bạn phải nằm lòng .
Cầm máu vết thương
Chấn thương là một trong những điều không thể tránh khỏi khi đi trekking. Có thể là những vết xước nhỏ ngoài da khi bạn cố gắng băng qua một con đường đầy những bụi cây rậm rạp. Có thể là những vết rách gây chảy máu khi bạn té ngã hoặc vô tình bị cây cối cọ vào. Nghiêm trọng hơn có thể là những tổn thương phần mềm do sự cố lớn hơn. Dù là vết thương nào, bạn cũng đừng chủ quan mà phải dừng chân và sơ cứu ngay. Một vết thương nhỏ trong điều kiện môi trường ẩm ướt, độ ẩm và bụi bẩn đều có thể gây ra chứng nhiễm trùng vô cùng nghiêm trọng. Tuỳ vào tình trạng vết thương, bạn có thể ứng dụng những cách cầm máu sau:
Cầm máu cho vết thương ngoài da
Với những vết thương nhỏ bị rướm máu do cọ sát hay cây cỏ quẹt, bạn có thể làm sạch vết thương bằng cách sử dụng dung dịch sát khuẩn hoặc nước sạch mang theo. Không nên dùng nước ở môi trường xung quanh vì chúng không được đảm bảo độ vệ sinh. Sau đó, hãy lau khô vết thương rồi dùng băng cá nhân dán lên để tránh tác nhân bên ngoài xâm nhập.
Cầm máu cho vết thương hở hoặc tổn thương phần mềm
Kỹ năng sơ cứu cầm máu là rất quan trọng, vì mất máu có thể khiến bạn bị choáng, ngất và nhiễm trùng. Đối với những vết thương hở ra máu, bạn cần cầm máu càng nhanh càng tốt.
Trước khi sơ cứu hãy đảm bảo rửa sạch tay và vùng bị thương bằng dung dịch sát khuẩn đem theo. Sau đó, hãy kiểm tra xem vết thương có những dị vật như gai nhọn, bụi bẩn, đất cát hay không để loại bỏ chúng. Sau đó dùng băng gạc sạch đắp lên vết thương, giữ chặt để cầm máu.
Nếu bị thương ở tay, bạn hãy đưa tay cao hơn vị trí của tim ở phía trên lồng ngực để làm giảm áp suất của mạch máu lên vết thương, giúp cầm máu hiệu quả hơn. Nếu bị thương ở chân, hãy kê chân lên balo sao cho cao hơn lồng ngực để làm máu chảy chậm lại nhé.
Đối với những vết thương nghiêm trọng hơn, nạn nhân có thể bị tổn hại đến phần mềm như rách da ảnh hưởng đến các mô liên kết, gân và cơ thì bạn cần nhanh chóng cho người bị thương nằm xuống, nâng cao phần bị mất máu lên trên. Làm sạch vết thương, những dị vật đâm sâu thì không nên tác động đến. Đặt lên vết thương miếng gạc sạch hoặc vải sau đó dùng tay ép trực tiếp. Nhanh chóng đưa người bị thương đến cơ sở y tế gần nhất hoặc liên hệ cấp cứu trong thời gian càng nhanh càng tốt.
Đặc biệt ghi nhớ một điều là bạn hay luôn làm sạch tay, sát khuẩn tay và dụng cụ vệ sinh để tránh làm nhiễm trùng lây đến những vết thương hở khi sơ cứu cầm máu nhé. Nhiễm trùng máu và mất máu đều nguy hiểm như nhau, nhất là với môi trường ẩm ướt và nhiều vi khuẩn như rừng rậm.
Sơ cứu bong gân
Bong gân cũng là một vấn đề thường gặp phải khi bạn đi leo núi, khi bạn bị trượt chân vì cố gắng vượt qua một địa hình kém bằng phẳng. Bong gân không quá nguy hiểm, nhưng nó gây đau đớn khó chịu và có thể bị ảnh hưởng đến gân, dây chằng khi bạn không sơ cứu mà cứ tiếp tục di chuyển. Khi bong gân kéo dài có thể gây dãn dây chằng hoặc làm dây chằng bị rách khá phiền phức. Dấu hiệu để nhận biết khi bạn bị bong gân chính là đau, sưng, bầm tím và không thể cử động được vùng khớp bị bong gân. Bạn có thể sơ cứu bong gân bằng những vật dụng sinh tồn khi đi trekking trong rừng như vải, băng dính hoặc dây dự phòng. Bạn có thể quấn vải quanh bốt và mắt cá chân để tạo một nẹp giữ mắt cá chân cố định tại chỗ. Khi đến trạm dừng chân hoặc nơi cắm trại để nghỉ ngơi thì hãy ngồi xuống, cởi bọ nẹp cố định ra để chân thông thoáng, dùng đá hoặc chai nước lạnh để chườm ngay chỗ bong gân giúp giảm sưng đau.
Lưu ý rằng, khi bạn đã bị bong gân thì nên tránh sử dụng chân bị bong gân hết mức có thể. Nếu cố gắng di chuyển bằng chân đau chỉ khiến cho vết thương thêm tồi tệ hơn. Nếu bắt buộc phải tiếp tục đi một đoạn đường dài hãy nhờ đến sự hỗ trợ của đồng đội, hoặc dùng gậy trợ giúp. Nếu ngay từ đầu tình trạng bong gân đã nặng như vết thương sưng to, tím bầm và không thể nào di chuyển được thì bạn hãy liên hệ ngay với cấp cứu hoặc đến cơ sở y tế gần nơi bạn trekking nhất.
Cố định gãy xương
Một trong những rủi ro không mong muốn vẫn có thể xảy ra trên những cung đường leo núi trekking chính là gãy xương. Khi bạn hoặc một người trong đoàn bị té ngã hụt chân, ngoài những vết xước thì không thể cử động được có thể xương đã bị gãy. Khi nghi ngờ gãy xương, tuyệt đối không vội vàng di chuyển người bị thương, mà hãy xác định xem bộ phận nào đang bị tổn thương. Sau đó liên hệ ngay với trung tâm cấp cứu tùy theo tình trạng nặng nhẹ và tiến hành sơ cứu cho nạn nhân.
– Đối với tay, chân bị gãy: Bạn hãy sơ cứu để giúp họ giảm bớt cơn đau và ngăn ngừa tai biến. Bạn cần giữ cho tay và chân bị gãy ở tư thế bất động để nạn nhân bớt đau, không phát sinh nguy hiểm. Nếu như có vết thương hở, bạn hãy dùng khăn sạch hoặc vải đã sát khuẩn làm sạch vết thương rồi cầm máu. Nếu tìm được nẹp cố định, hãy giúp nạn nhân cố định vết thương bằng cách nẹp qua 2 khớp hoặc băng vải đeo trước ngực. Nếu có đá lạnh hãy chườm ngay lên vết thương giúp giảm cơn đau khi chờ cấp cứu.
– Với trường hợp nặng hơn như nghi ngờ gãy khung chậu hoặc chấn thương cột sống, việc quan trọng là bạn phải giúp nạn nhân cố định cơ thể để tránh khớp xương bị lệch. Khi gãy xương chậu, hãy giúp đặt nạn nhân nằm ngửa, chân duỗi thẳng, dùng balo hoặc áo khoác kê dưới gối. Buộc 2 vòng băng to bản ở khung chậu, băng số 8 xung quanh mắt cá chân và bàn chân, băng 1 băng rộng bản ở đầu gối. Cố gắng giúp người bị thương bất động, giảm đau, chống sốc và nếu có cáng hãy vận chuyển người bị thương một cách nhẹ nhàng đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
Hô hấp nhân tạo
Kỹ năng hô hấp nhân tạo cũng là một kỹ năng sinh tồn vô cùng cần thiết để bạn có thể cứu nguy kịp thời khi mọi người xung quanh rơi vào tình huống nguy hiểm. Đi trekking không chỉ là leo núi, băng rừng mà đôi khi còn vượt qua những con suối, nếu chẳng may có người đuối nước, bạn có thể giúp hô hấp nhân tạo theo những thao tác sau:
– Đặt nạn nhân nằm ở nơi thoáng đãng, nới rộng quần áo, thắt lưng. Đệm áo khoác dưới cổ cho đầu hơi ngửa ra sau để đường hô hấp được thông thoáng, lấy dị vật trong miệng nếu có.
– Dùng 1 tay bịt mũi nạn nhân, tay kia kéo hàm xuống dưới để miệng hở ra, ngậm chặt miệng nạn nhân rồi thổi liên tục hai hơi đối với người lớn và một hơi đối với trẻ em dưới 8 tuổi. Sau đó để lồng ngực tự xẹp xuống rồi lại thổi tiếp. Mỗi phút phải thổi ngạt 20 lần.
Khi nạn nhân rơi vào trường hợp ngưng tim, ngay lập tức phải tiến hành xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Để nạn nhân nằm trên mặt phẳng cứng, người tiến hành ép tim quỳ gối bên trái nạn nhân. Hai bàn tay chồng lên nhau rồi để trước tim, tương ứng với điểm giữa hai núm vú hoặc khoang liên sườn 4 – 5 bên ngực trái, từ từ ấn sâu xuống khoảng 1/3 cho đến một nửa bề dày lồng ngực, sau đó nới lỏng tay ra.
Người lớn và trẻ em trên 1 tuổi, số lần ép tim trong một phút khoảng 100 lần. Trẻ dưới 1 tuổi, mỗi phút ép tim hơn 100 lần. Trẻ sơ sinh có thể phải ép tim đến 120 lần/phút.
Khi nạn nhân vừa ngưng tim vừa ngưng thở: Phải kết hợp cả ép tim với thổi ngạt, cứ 15 lần ép tim lại thổi ngạt hai lần, với trẻ sơ sinh là ba lần ép tim thổi ngạt một lần.
Sau khi nạn nhân tự thở được cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
Sơ cứu côn trùng cắn
Rừng rậm, đồi núi không chỉ có địa hình phức tạp mà còn là nơi sinh sống của rất nhiều các loại côn trùng. Đặc biệt là những loài có chứa chất độc như: ong, rắn, rết, bọ cạp. Trang bị kỹ năng sơ cứu khi bị côn trùng cắn sẽ không hề thừa thãi.
Khi bị ong đốt, bạn hãy loại bỏ ngay ngòi châm của ong. Sau đó có thể dùng thuốc giảm đau (đối với những loại ong có nọc độc mạnh gây đau nhức nhiều), túi chườm lạnh và bôi kem chống ngứa. Nếu cơ thể từng có tiền sử bị dị ứng với vết đốt, thì trước khi đi trekking bạn nên chuẩn bị theo ống tiêm epinephrine hoặc thuốc kê toa.
Nguy hiểm hơn là trường hợp rắn độc cắn, bạn cần ngồi yên, những người còn lại hãy xua khu vực xung quanh để đảm bảo con rắn đã đi khỏi. Người bị rắn cắn tuyệt đối không được cử động phần bị rắn cắn vì nó sẽ làm cho chất độc lan nhanh hơn. Nếu nạn nhân bị rắn độc cắn, biểu hiện sẽ là trào đờm, sụp mí, mờ mắt, khó nuốt, sưng nề. Ngoài ra còn có thể bị rối loạn đông máu và xuất huyết, gây tê liệt thần kinh, suy hô hấp và nặng nhất là ngưng thở.
Khi có người bị cắn, trước tiên bạn nên tìm hiểu nạn nhân bị cắn bởi loại rắn nào và loại nọc độc đó là nọc độc tác dụng đến cơ thể con người như thế nào. Nếu không biết chính xác thì hay cố gắng ghi nhớ thật nhiều đặc điểm nhận dạng nổi bật của con rắn đó. Việc ghi nhớ hoặc nhận biết nạn nhân bị cắn bởi loại rắn nào, vừa có thể giúp chúng ta biết nên sơ cứu khi bị rắn cắn như thế nào, vừa có thể giúp các bác sĩ biết và sử dụng chính xác loại huyết thanh kháng độc. Sau đó, hãy giúp nạn nhân bình tĩnh và nên đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất trong thời gian ngắn nhất có thể.
Côn trùng cắn đốt thực sự nguy hiểm hơn bạn nghĩ. Do đó khi leo núi cần chuẩn bị gì? Bạn đừng quên những vật dụng sinh tồn có thể cứu mạng mình trong mọi tình huống như: băng gạc, thuốc sát khuẩn, thuốc cầm máu, thuốc giải độc côn trùng, thuốc giảm đau và một số dụng cụ sơ cứu cần thiết khác.
Hãy tưởng tượng khi bạn đã bị thương và không may còn bị lạc trong rừng nữa, điều đó có phải thật sự tồi tệ không? Vậy nếu bị lạc trong rừng hay đi trekking chúng ta nên xữ lý như thế nào ?
Sơ cứu người bị mất nước
Vì một số lý do nào đó như lạc đường, mải mê theo dấu chân đồng đội mà bạn quên việc bổ sung nước, nhiệt độ đột ngột lên cao khiến cho cơ thể bạn bị mất nước. Dấu hiệu là bạn sẽ bắt đầu cảm thấy những cơn khát, chóng mặt, choáng váng, đi tiểu không đủ hoặc không tiểu được, môi khô và khan cổ họng. Khi đó, bạn cần dừng lại ngay lập tức, nghỉ ngơi và bổ sung nước cho cơ thể. Mặc dù rất khát, nhưng bạn hãy uống nước thành từng ngụm nhỏ để phục hồi cơ thể từ từ.
Để tránh tình trạng cơ thể bị mất nước, choáng váng và ngất xỉu khi đi trekking. Nhất là những ai mới đi lần đầu, bạn hãy tập uống nước đúng lúc. Đừng chỉ uống khi khát, mà hãy ngăn chặn cơn khát đó ngay từ đầu bằng việc uống lượng ít nước thường xuyên trên chặng đường di chuyển.
Nếu không may bị lạc, trong thời gian chờ đời giải cứu, thì kỹ năng lọc nước cũng rất quan trọng để giúp cơ thể có được lượng nước cần thiết trong lúc chờ. Trong balo của bạn hãy luôn có thuốc lọc nước, túi lọc nước và ấm đun nước nhỏ để phòng hờ những sự cố về nước dùng nhé.
Sơ cứu người bị say nắng
Khi đi leo núi trekking vào những thời điểm nắng nóng như mùa khô, bạn còn có thể đối đầu với một nguy cơ đó chính là say nắng ngất xỉu. Dấu hiệu là bạn bắt đầu đổ mồ hôi trộm, choáng váng, mặt mũi dần tái nhợt, nếu không kịp ngồi nghỉ có thể sẽ ngất xỉu. Khi đó, kỹ năng sơ cứu cần thiết là gì?
Bạn cần nhanh chóng đặt nạn nhân nằm xuống khu vực sạch sẽ, bằng phẳng. Giúp kê chân nạn nhân lên cao bằng balo hay những thứ xung quanh có thể tận dụng được và quan sát nhịp thở. Hãy đảm bảo nạn nhân có đầy đủ không gian thoáng đãng và không khí trong lành để hít thở. Tránh tụ lại đông đúc gây ngộp thêm cho nạn nhân. Khi nạn nhân dần dần hơi tỉnh táo, hãy giúp họ ngồi dậy chậm rãi, cho uống từng chút nước. Trong trường hợp sau một thời gian nạn nhân vẫn chưa hồi phục được, hãy hỗ trợ họ hít thở bằng cách hô hấp nhân tạo hoặc hướng dẫn họ tập hít thở bằng cách cúi đầu giữa hai đầu gối, và hít thở thật sâu.
Bên cạnh việc say nắng ngất xỉu thì đôi khi bạn sẽ còn bị cháy nắng và phồng rộp da khi nhiệt độ quá cao. Vết cháy nắng, rộp da sẽ gây đau rát khó chịu, ảnh hưởng đến việc di chuyển. Khi bị cháy nắng, bạn hãy chườm lạnh hoặc dùng aspirin, ibuprofen nếu có mang theo nhé. Và khi chuẩn bị kế hoạch để đi trekking vào những thời điểm nắng nóng trong năm, bạn hãy chuẩn bị đủ trang phục và dụng cụ chống nắng cần thiết. Cân nhắc kỹ về địa điểm đi trekking và đảm bảo về lượng nước mang theo để tránh những sự cố về chênh lệch nhiệt độ nhé.
7 kỹ năng sơ cứu cơ bản trên đây không phải là tất cả, nhưng cũng sẽ đủ để bạn ứng phó được với một số rủi ro thường gặp khi đi trekking leo núi. Quan trọng nhất vẫn là một kế hoạch chi tiết, an toàn. Đừng vội vàng tham gia chuyến đi nếu như bạn chưa biết gì về nó. Hãy thực hiện những điều sau để giúp bảo vệ bản thân và những người khác khỏi những sự cố đáng tiếc:
- Trước khi đi, bạn hãy tìm hiểu đi leo núi cần chuẩn bị gì? Trang phục, thức ăn, nước uống, dụng cụ sinh tồn,…Hãy lên danh sách, soạn mọi thứ với lượng đủ dùng, sau đó tick vào danh sách để đảm bảo không thiếu sót món nào cần thiết.
- Tìm hiểu về hành trình đi, địa điểm đến về khí hậu, thiên nhiên, địa hình để có sự chuẩn bị về tinh thần và những đồ dùng sao cho thích hợp nhất. Hãy tìm hiểu luôn cả đặc điểm cư dân xung quanh vùng đồi núi trekking, để có thể tìm sự giúp đỡ nếu chẳng may bạn bị thương hoặc lạc đường.
- Cần phải chuẩn bị một thể trạng tốt, như nên luyện tập thể dục thể thao thường xuyên để không bị đuối sức với trekking đường dài. Cần ăn uống đủ dinh dưỡng và ngủ nghỉ khoa học, vì có thể hành trình sắp tới bạn sẽ không được đảm bảo về mặt đó.
- Học những kỹ năng sơ cứu cơ bản kể trên và có thể học nhiều hơn nữa. Không chỉ áp dụng cho những chuyến đi trekking, hiking mà chúng còn rất cần thiết trong cuộc sống thường ngày. Để bảo vệ an toàn cho bạn và cả những người xung quanh.
Hy vọng rằng, bạn sẽ có một hành trình leo núi trekking thật an toàn, thật nhiều trải nghiệm tuyệt vời và không cần phải sử dụng đến gì được chia sẻ trong bài viết hôm nay nhé.