Chơi cây cảnh hay bonsai, là một thú vui tao nhã có lịch sử lâu đời và rất được ưa chuộng nhờ tính nghệ thuật và thẩm mỹ cao. Hiện tại có tới 72 thế cây cảnh cổ điển, vậy đâu là 10 thế đẹp nhất? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Cây cảnh, bonsai là gi?

Cây cảnh hay bonsai là các loại cây được trồng trong chậu và được cắt tỉa, uốn nắn thành những dáng đặc biệt mang ý nghĩa triết lý. Cây bonsai thường có kích thước nhỏ (cao khoảng 1 mét) và được trồng trong chậu gốm nông. Đối với người chơi bonsai, đây không đơn giản chỉ là quá trình chăm sóc cây mà là quá trình tạo ra một tác phẩm có sự kết hợp giữa vẻ đẹp thiên nhiên và nghệ thuật làm vườn

Cây cảnh bonsai được chia làm hai nhóm: cây bonsai trong nhà và cây bonsai ngoài trời

  • Cây cảnh trong nhà

Cây bonsai trong nhà như một loại nội thất giúp nâng cao tính thẩm mỹ cho ngôi nhà. Tuy nhiên, cây bonsai trong nhà rất khó trồng, vì bạn cần chọn loài cây phù hợp với môi trường sống trong nhà hoặc cần phải điều chỉnh môi trường trong nhà sao cho phù hợp với điều kiện sống của cây. Nói chung, các loài nhiệt đới và cận nhiệt đới phù hợp để trồng trong nhà.

Ví dụ về các loại cây cảnh trong nhà: Cây dù Hawaii, cây cảnh keo, cây kim tiền, cây mưa Brazilian, cây bonsai thông phật giáo, v.v.

  • Cây cảnh ngoài trời

Đây là những cây cảnh truyền thống có thể phát triển trong môi trường ngoài trời mà không cần chăm sóc hoặc bảo vệ đặc biệt. Những loài này phát triển nhanh hơn những loài trong nhà vì chúng ở trong môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, thỉnh thoảng chúng vẫn có thể được mang vào trong nhà trong thời gian ngắn.

Có hai loại cây bonsai ngoài trời là cây lá kim và cây rụng lá. Cây lá kim là một trong những loài cây bonsai phổ biến nhất có thể được xác định bằng lá của chúng. Đây là những cây thường xanh, thường sống ở vùng có khí hậu lạnh. Phổ biến và dễ trồng nhất trong số đó là giống cây bách xù. Các loài khác bao gồm gỗ hoàng dương, đỗ quyên… Cây rụng lá là những loại cây rụng lá vào những tháng lạnh hơn trong năm. Không giống như cây thường xanh, lá của loại cây này rụng sau khi trưởng thành và mọc ra những chiếc mới. Ví dụ về các loại cây cảnh ngoài trời: cây bách hói, cây tùng, trăn…  

72 thế cây cảnh? 10 thế cây cảnh đẹp nhất

Điểm đặc trưng và tạo nên giá trị cho cây cảnh bonsai là thế cây. Thế cây là hình dáng cây được người làm uốn, nắn, tỉa theo những kỹ thuật đặc biệt. Nhờ có thế cây mà mỗi cây cảnh bonsai mang một câu chuyện và ý nghĩa riêng. Hiện nay, có tới 72 thế cây cảnh và dưới đây là 10 thế cây đẹp nhất.

1. Thế tam đa

Trong 72 thế cây cảnh, thế tam đa nhìn có vẻ đơn giản nhưng lại mang ý nghĩa lớn. Thế này cần dùng cây cổ thụ, gốc thân to. Cây uốn theo thế này chỉ có ba tầng tán tròn xung quanh thân, với độ rộng tăng dần từ ngọn tới gốc. Thế tam đa được lấy cảm hứng từ tích ba ông Phúc, Lộc, Thọ; mỗi tán tượng trưng cho một vị. Cả ba tán cây tròn đẹp mang ý nghĩa tượng trưng cho sự giàu sang, hạnh phúc và vĩnh cửu.

thế tam đa
Thế tam đa

2. Long cuốn thủy

Long cuốn thủy là thế cây cảnh dựa trên hình ảnh rồng hút nước và thường được uốn cho cây kim quýt hoặc cây mai chiếu thủy. Với thế cây này, gốc cây cần phải to và các nhánh rễ cây có độ cong khác nhau, ngoài to trong nhỏ để làm đầu rồng. Thân cây được uốn cong như thân rồng, bốn nhánh cành cây thì làm chân và mây. Còn ngọn thì vươn lên và xòe ra thì được coi như đuôi rồng. 

thế long cuốn thủy
Thế long cuốn thủy

3. Thế long giáng

Thế long giáng với đầu rồng chúi xuống, ngực rồng đặt trên mặt chậu, thân cây uốn nhẹ nhàng tạo thế đáp xuống còn các cành nhánh thì làm chân với lá làm mây bao quanh, phần ngọn được uốn tạo dáng đuôi mềm mại, tự nhiên. Thế cây này phải có đầu to và đuôi nhỏ, các chân gọn lại để tạo dáng đáp xuống đẹp, tượng trưng cho sự ôn hòa nhưng vẫn rất dũng mãnh, oai phong. 

thế long giáng
Thế long giáng

4. Thế long đàn phượng vũ

Thế cây cảnh này có phần cầu kỳ hơn, tượng trưng cho cảnh phượng hoàng múa quanh thân rồng, thể hiện sự quyền uy của bậc vua chúa, trước kia chỉ có ở trong cung. Thế này có thể được tạo nên từ một cây hoặc hai cây trồng trong một chậu. Cây uốn làm rồng phải có gốc to, ngẩng lên để làm đầu rồng; thân vểnh sang bên cạnh, nhánh cây xòe ra bốn phía để làm chân; ngọn hơi ngả về sau để làm đuôi rồng. Cây còn lại phải có hai rễ chẻ ra để làm chân phượng; thân cây uốn vắt qua thân rồng; các cành nhánh phía sau uốn thành đầu và đuôi phượng; hai cành trái, phải làm cánh chim; ngọn cây làm mây. Thế cây này cần phải uốn cẩn thận sao cho thể hiện được nét mềm mại, nhịp nhàng.

thế long đàn phượng vũ
Thế long đàn phượng vũ

5. Thế lưỡng long tranh châu

Thể kiểng này thường uốn với hai cây mai chiếu thủy hoặc kim quýt được trồng chung trong một chậu. Hai cây sẽ được uốn thành hai con rồng đối xứng ở hai bên và với một hạt minh châu nằm ở giữa. Thân rồng uốn khúc, các nhánh uốn làm chân, lá tỉa làm mây, ngọn được cắt tỉa xòe ra làm đuôi. 

6. Thế long bàn hổ phục

Thế long bàn hổ phục cũng uốn với một cây to và hai thân tách ra hoặc hai cây được trồng trong một chậu. Thế cây này thể hiện hình ảnh hổ phục sát đất, khuất phục trước quyền uy của rồng. Kiểu dáng này rất khó, trước tiên cần cần phải có rễ chẻ thành hai chân hổ chìa ra, hai chân rồng thì lại ngấu xuống. Thân cây uốn cong để làm thân rồng; hai cành trái phải uốn làm mây, hai nhánh trước sau uốn làm chân với móng xòe ra; ngọn uốn mềm mọi làm đuôi. Phần gốc thân của cây bên phải bò lên mặt chậu, các nhánh tỉa nhỏ, uốn ôm lấy thân, ngọn tỉa theo dáng tàn chổi nhỏ làm đuôi.

Long bàn hổ phục
Thế long bàn hổ phục

7. Thế long mã hồi đầu

Tương tự thế trên, thế kiểng này cần hai cây riêng biệt hoặc cùng gốc với một cao một thấp. Rễ cây phải xòe ra để làm chân thú. Cây thấp thì thân phải to, ngắn, uốn nằm ngang với ngọn ngẩng lên làm đầu, không để nhánh, tạo dáng ngựa nằm quay đầu. Cây cao hơn thì làm thân rồng, uốn cong, cành nhánh chĩa ra bốn phía làm chân, ngọn cây tỉa tàn to như bông hoa sen, uốn cụp xuống như đầu rồng quay lại. Trong 72 thế cây cảnh, thế này là một trong những thế khó uốn nhất.

8. Thế trực quân tử

trực quân tử
Thế cây trực quân tử

Thế trực quân tử ngày xưa rất được các bậc nho sĩ ưa thích vì tượng trưng cho sự ngay thẳng, thanh cao, phong thái đĩnh đạc của người quân tử. Dáng cây có phần thân cây thẳng đứng, cành nhánh xòe thẳng sang hai bên hoặc tứ diện, cắt tỉa gọn gàng, cân đối.

9. Thế trực liên chi

Thế trực liên chi là biến thể của thế trực quân tử với phần thân thẳng đứng, các cành nhánh được uốn ôm quấn quýt vào thân cây, tán được tỉa sum suê theo kiểu tứ diện. Dáng cây hình chóp trên nhỏ dưới to tạo cảm giác hài hòa, cân đối, biểu tượng cho hạnh phúc, ấm no, sum vầy. 

10. Thế trực quan tử liên chi

Thế cây tương tự thế trực quân tử nhưng khác ở chỗ có hai ba cây con xung quanh cây mẹ, nhánh của cây mẹ ôm cây con ở phía dưới. Các cây con cũng có đủ tàn nhánh như cây mẹ, có gốc độc lập. Dáng cây tuyệt đẹp này tượng trưng cho tình yêu thương giữa con người.

Thú chơi cây cảnh bonsai như là một bộ môn nghệ thuật đòi hỏi người chơi phải có đầy đủ kiến thức, kỹ thuật cũng như sự tỉ mỉ, tính nhẫn nại. Với những người mới bắt đầu, các bạn có thể làm quen và thử sức với 10 thế cây đẹp nhất trong 72 thế cây cảnh cổ điển cho người mới bắt đầu được gợi ý phía trên.